I. Đam mê trồng cây
Trồng cây không chỉ là hoạt động của các bác nông dân, ngày nay nhiều “nông dân thành phố” cũng đam mê trồng cây thú vui này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tinh thần. Tự tay chăm sóc cây và nhìn thành quả của mình lớn lên từng ngày, đơm hoa kết trái như đang chăm sóc một đứa con tin thần vậy.
Tuy nhiên đôi lúc “nông dân thành phố” cũng đau đầu vì mấy “đứa con tinh thần” này không chịu ra hoa kết trái. Hãy xem xét lại quá trình trồng cây và cùng xem nguyên nhân vì đâu.
II. Nguyên nhân cây không ra trái (quả)
Một số nguyên nhân phổ biến khiến cho cây trồng của bạn tốn công chăm sóc nhưng vẫn không chịu ra trái và cách khắc phục:
- Thiếu thụ phấn: Nếu là cây đơn tính, hoa cái cần được thụ phấn từ hoa đực tạo trái. Nếu không có đủ côn trùng thụ phấn như ong hoặc bướm, hoặc nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi, cây có thể không đậu được trái.
- Giải pháp: Bạn có thể thu hút côn trùng thụ phấn bằng cách trồng các loại hoa xung quanh cây trồng hoặc sử dụng phương pháp thụ phấn thủ công bằng cách dùng cọ nhỏ để chuyển phấn hoa từ hoa đực sang hoa cái.
- Khí hậu: Mỗi loại cây trồng sẽ thích hợp với khí hậu của mỗi vùng. Tuy nhiên thời tiết mỗi năm đều có biến động, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể ảnh hưởng đến quá trình ra trái của cây. Nhiệt độ lý tưởng cho cây ra trái thường nằm trong khoảng 18-30°C.
- Giải pháp: Đảm bảo cây trồng được bảo vệ khỏi nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Sử dụng lưới che nắng hoặc nhà kính có phun sương để điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm.
- Thiếu dinh dưỡng: Ngoài các chất đa lượng là Đạm – Lân – Kali, cây cần thêm các chất vi lượng trong đất để sai quả như: Kẽm, Mangan, Boron, Niken… Thiếu hụt một hoặc nhiều chất dinh dưỡng có thể làm cây yếu và không ra trái.
- Giải pháp: Bổ sung phân bón chứa các chất dinh dưỡng cần thiết như NPK (Nitơ, Phốt pho, Kali). Đồng thời bổ sung thêm các chất vi lượng như Kẽm, Mangan, Boron, Niken… để kích thích cây ra hoa đậu trái.
- Ánh sáng không đủ: Cây cần đủ ánh sáng mặt trời để quang hợp và phát triển. Thiếu ánh sáng có thể làm cây còi cọc và không ra hoa đậu trái.
- Giải pháp: Đảm bảo cây trồng nhận đủ ánh sáng mặt trời, ít nhất 6-8 giờ mỗi ngày. Nếu cây trồng trong nhà, bạn có thể sử dụng thêm đèn LED chuyên dụng cho cây trồng để hỗ trợ cây quang hợp và phát triển tốt.
- Tác động xấu từ môi trường: Các yếu tố như tưới nước không đúng cách, cắt tỉa không hợp lý, hoặc cây bị sâu bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng ra trái của cây.
- Giải pháp: Tưới nước đều đặn và đúng cách phù hợp với từng dòng cây, tránh tưới quá nhiều hoặc quá ít. Kiểm tra và xử lý các loại sâu bệnh kịp thời để bảo vệ cây trồng. Cắt tỉa hoặc bấm ngọn cây hợp lý để giúp cây phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, một số cây trồng có thể cần thời gian để trưởng thành và ra trái. Kiên nhẫn và chăm sóc đúng cách sẽ giúp cây của bạn phát triển khỏe mạnh và ra trái tốt hơn.
III. Tác dụng của từng loại phân bón với cây trồng
3.1 Phân bón đa lượng
Phân bón đa lượng là loại phân bón chứa các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng như đạm (N), lân (P), và kali (K). Phân bón đa lượng còn được gọi là phân NPK với các chỉ số theo thứ tự là hàm lượng Đạm – Lân – Kali. Các thành phần này mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của cây trồng:
- Đạm (N): Giúp cây phát triển lá, thân và cành mạnh mẽ. Đạm tham gia vào quá trình tổng hợp protein, chlorophyll, enzym, axit amin và các loại vitamin trong cây.
- Lân (P): Hỗ trợ sự phát triển của rễ và hoa, tăng cường khả năng chống chịu của cây với môi trường không thuận lợi.
- Kali (K): Tăng cường khả năng chống chịu của cây với sâu bệnh và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đồng thời cải thiện chất lượng và năng suất của cây trồng.
Phân bón đa lượng thường được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp để đảm bảo cây trồng phát triển khỏe mạnh và đạt năng suất cao. Có hai loại là phân hoá học (tổng hợp tại nhà máy) và phân hữu cơ (phân bò, phân trùng quế, phân đạm cá, phân gà…)
3.2 Phân bón vi lượng
Các chất vi lượng tuy chỉ cần một lượng nhỏ nhưng rất quan trọng cho sự phát triển và sinh trưởng của cây trồng. Một số chất vi lượng cần thiết cho cây trồng:
- Sắt (Fe): Giúp cây quang hợp và sản xuất diệp lục tố, giúp lá cây có màu xanh tốt.
- Kẽm (Zn): Quan trọng cho quá trình chuyển hóa đường và protein trong cây.
- Mangan (Mn): Tham gia vào quá trình hấp thụ và sử dụng nitơ, hỗ trợ sự sinh trưởng của cây.
- Đồng (Cu): Cần thiết cho quá trình chuyển hóa năng lượng và quang hợp.
- Boron (B): Giúp cây phát triển mô mới và tăng cường khả năng thụ phấn.
- Molypden (Mo): Quan trọng cho quá trình cố định nitơ và chuyển hóa nitrat.
- Niken (Ni): Cần thiết cho hoạt động của một số enzyme trong cây.
- Clo (Cl): Giúp cây duy trì cân bằng nước và ion.
Nếu cây trồng thiếu các chất vi lượng này, chúng thường có biểu hiện các triệu chứng như lá vàng, còi cọc, hoặc kém phát triển. Các loại phân bón vi lượng thường được gọi là các loại phân hoặc thuốc kích hoa, kích quả… có thể được mua tại các cửa hàng Nông nghiệp.
IV. Chăm sóc đúng cách để cây được mùa
Để cây trồng ra nhiều trái và năng suất cao, bạn cần lưu ý để cây trồng được phát triển tốt và đúng phương pháp.
- Chọn giống cây tốt: Chọn giống cây khỏe mạnh, có khả năng kháng bệnh tốt và năng suất cao. Các giống cây ghép thường cho quả sớm và nhiều hơn so với cây trồng từ hạt.
- Bón phân đúng cách: Sử dụng phân bón cân đối, đặc biệt là kali và phốt pho để kích thích ra hoa và đậu quả. Kết hợp bón thêm phân bón vi lượng theo nhu cầu.
- Tưới nước hợp lý: Đảm bảo cây được cung cấp đủ nước, nhưng tránh tưới quá nhiều gây ngập úng. Tưới nước đều đặn, đặc biệt trong giai đoạn cây ra hoa và đậu quả.
- Cắt tỉa cây: Cắt tỉa các cành già, cành không cần thiết, tỉa bớt những trái không cần thiết để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Việc cắt tỉa cũng giúp cây thông thoáng, giảm nguy cơ sâu bệnh
- Kiểm soát sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra và xử lý sâu bệnh kịp thời để cây không bị suy yếu. Hãy sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và an toàn.
- Điều chỉnh ánh sáng: Đảm bảo cây nhận đủ ánh sáng mặt trời, ít nhất 6-8 giờ mỗi ngày. Nếu cây trồng trong nhà, bạn có thể sử dụng đèn LED chuyên dụng cho cây trồng.
- Thụ phấn nhân tạo: Nếu cây không được thụ phấn tự nhiên đủ, bạn có thể thụ phấn nhân tạo bằng cách dùng cọ nhỏ để chuyển phấn hoa từ hoa đực sang hoa cái.
V. Phương pháp dân gian giúp cây ra trái (quả)
Theo quan niệm dân gian, nếu cây không ra trái thì vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, canh đúng giờ ngọ (12h trưa), hai người gồm một người có vai vế nhỏ hơn sẽ đóng vai cây, trèo lên cây và trả lời những câu hỏi của người bên dưới. Một người bên dưới cầm dao và hỏi cây có chịu ra trái (quả) hay không, sau đó dùng dao chém vào gốc cây hoặc chặt bớt vài cành cây với tác dụng “răn đe” để năm sau cây ra trái nhiều hơn.
Đây là tục “khảo cây” của thực hiện hàng năm vào dịp Tết Đoan Ngọ. Giải thích cho hiện tượng này là khi thực vật bị tác động xấu (gốc bị chặt một phần nhỏ) sẽ cố gắng tập trung ra hoa kết quả để duy trì nòi giống. Việc này cũng tương tự như việc ngắt ngọn hoặc tỉa cành cho cây, kết quả là mùa vụ sau những cây này sẽ có năng suất cao hơn mùa vụ trước.
Một phong tục khá vui nhộn và hiệu quả của người xưa cần được các thế hệ sau gìn giữ.
Ảnh minh hoạ: Internet