Sức khỏe của thận – suy thận và những điều cần biết

60

I. Chức năng của thận

Thận là một cơ quan quan trọng trong hệ tiết niệu của cơ thể. Mỗi người có hai quả thận, nằm ở phía sau khoang bụng, đối xứng qua cột sống. Thận có hình dạng giống hạt đậu, dài khoảng 10-12 cm, rộng khoảng 5-6 cm, và dày khoảng 2-3 cm.

  • Lọc máu: Thận loại bỏ các chất thải và độc tố ra khỏi máu, tạo ra nước tiểu để thải ra ngoài cơ thể.
  • Cân bằng nước và điện giải: Thận điều chỉnh lượng nước và các chất điện giải như natri, kali trong cơ thể.
  • Điều chỉnh huyết áp: Thận sản xuất các hormone như renin giúp điều chỉnh huyết áp.
  • Sản xuất hormone: Thận sản xuất erythropoietin, một hormone kích thích sản xuất hồng cầu trong tủy xương.

II. Các thói quen ảnh hưởng đến thận

Thận là một cơ quan quan trọng trong cơ thể, và việc duy trì sức khỏe của nó cần được chú ý. Một số thói quen xấu có thể ảnh hưởng đến thận mà bạn cần phải dừng lại để đảm bảo sức khoẻ cho thận:

2.1 Thói quen xấu làm tổn hại cho thận

  1. Lạm dụng thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau không kê đơn, như NSAID (thuốc chống viêm không steroid), có thể gây hại cho thận, đặc biệt nếu bạn đã bị bệnh thận. Hãy giảm việc sử dụng NSAID thường xuyên và không vượt quá liều lượng khuyến cáo
  2. Lạm dụng muối: Chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và gây hại cho thận. Hãy hạn chế việc ăn muối và thay thế bằng các loại thảo mộc và gia vị để tạo hương vị cho thực phẩm.
  3. Nghiện đồ ăn nhanh: Thói quen ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn như: Burger, Gà rán, Pizza, Sandwich, Hotdog… các món này ít rau xanh, nhiều dầu mỡ (cholesterol) và nhiều đạm đều hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của thận.
  4. Uống không đủ nước: Uống ít nước hơn so với nhu cầu cơ thể sẽ dẫn đến sự hình thành ít nước tiểu, không đủ để đẩy các chất cặn và vi khuẩn ra khỏi hệ tiết niệu, gây sỏi thận và nhiễm trùng tiểu.
  5. Thiếu ngủ: Khuyến nghị nên đi ngủ từ 21h đến 22h và ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm  rất quan trọng để duy trì chức năng thận tốt. Thiếu ngủ có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận nhanh hơn, đặc biệt là ở những người đã có bệnh thận mãn tính.
  6. Ăn nhiều thịt đỏ: Protein động vật trong thịt rất khó chuyển hoá, khiến thận phải làm việc nhiều hơn, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Khi thận không thể loại bỏ hết chất thải từ quá trình chuyển hoá protein, chúng tích tụ những chất thải này gây hại cho sức khoẻ.
  7. Sử dụng nhiều đường: Khi lượng đường trong máu cao, thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu, dẫn đến tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận, gây suy giảm chức năng thận. Đường huyết cao kéo dài còn làm hỏng các bộ lọc bên trong thận, dẫn đến tình trạng protein thoát vào nước tiểu, gọi là protein niệu.
  8. Hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ suy thận do các chất độc hại trong khói thuốc gây tổn thương các tế bào thận và làm giảm chức năng thận. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thận từ 20% đến 50%.
  9. Uống rượu: Uống rượu quá mức có thể gây mất cân bằng điện giải và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận. Rượu gây ra tình trạng mất nước và làm giảm lưu lượng máu đến thận, dẫn đến suy thận cấp. Uống rượu lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính do tổn thương liên tục đến các tế bào thận.
Thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc máu và duy trì cân bằng nước và chất điện phân trong cơ thể. Để giữ cho thận khỏe mạnh, cần duy trì những thói quen hàng ngày.
  1. Uống đủ nước: Mỗi ngày, hãy uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể (tuỳ nhu cầu của mỗi người). Nước giúp thận loại bỏ chất thải và duy trì hoạt động hiệu quả.
  2. Ăn uống lành mạnh: Xây dựng chế độ ăn uống giàu rau xanh, trái cây, ngũ cốc và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. Điều này giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp và bệnh lý thận.
  3. Kiểm soát lượng muối: Muối có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Hạn chế ăn thực phẩm giàu muối để tránh sỏi thận và suy chức năng thận.
  4. Tránh lạm dụng thuốc: Không sử dụng quá nhiều thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc các loại kháng sinh, vì chúng có thể gây hại cho thận.
  5. Thực phẩm chức năng: Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược để cải thiện sức khoẻ của thận.
  6. Vận động thể chất: Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện lưu thông máu và hỗ trợ chức năng thận. Các chất độc có thể thải ra một phần qua tuyến mồ hôi tự nhiên.
  7. Kiểm tra định kỳ:Hãy thường xuyên kiểm tra định kỳ sức khoẻ và chức năng của thận để sớm phát hiện những bệnh lý về thận.
  8. Ngủ sớm: Đi ngủ sớm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tinh thần, nên ngủ từ 21h đến 22h và ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm để duy trì sức khoẻ cho thận.
  9. Tránh chất độc hại: Nếu bạn làm việc trong môi trường có nhiều chất độc hại, hãy đảm bảo sử dụng thiết bị bảo hộ và tuân thủ quy tắc an toàn.
  10. Bỏ bia rượu và thuốc lá: Hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu bia và thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc thụ động) sẽ cải thiện sức khoẻ cho thận của bạn.

III. Các bệnh lý về thận

Một số bệnh phổ biến và những triệu chứng của bệnh cảnh báo người có triệu chứng tương tự hãy đi kiểm tra sức khoẻ và các bệnh lý về thận.

  1. Suy thận: Suy thận là tình trạng thận bị suy giảm chức năng, ảnh hưởng đến khả năng lọc máu và loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Có hai loại suy thận chính: suy thận cấp và suy thận mạn.
  2. Sỏi thận: Hình thành do các khoáng chất kết tinh trong thận. Cơn đau do sỏi thận thường bắt đầu từ vùng thắt lưng, có thể lan xuống bụng, hố chậu, đùi… Đau có thể kèm theo các triệu chứng khác như tiểu ra máu, buồn nôn, nôn, sốt và ớn lạnh.
  3. Viêm cầu thận: Thận có chức năng lọc máu để tạo ra nước tiểu, điều chỉnh các chất điện giải, và duy trì sự ổn định của huyết áp. Khi cầu thận bị viêm, chức năng đào thải chất độc bị ảnh hưởng, xuất hiện các triệu chứng như phù, tăng huyết áp, thay đổi thành phần nước tiểu, và thiếu máu.
  4. Ung thư thận: Các triệu chứng như Tiểu ra máu, đau vùng thắc lưng, có khối u vùng bụng, mệt mõi thiếu máu, sút cân đột ngột… Hãy chẩn đoán ung thư thận bằng các phương pháp hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), và xét nghiệm nước tiểu.

IV. Những nguyên nhân gây ra suy thận

Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận, và có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận. Một số nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến tình trạng của thận ngày càng tệ hơn:

  1. Bệnh tiểu đường: Đây là nguyên nhân gây suy thận phổ biến nhất. Khi mắc bệnh tiểu đường, nồng độ đường trong máu luôn ở mức cao, gây tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận và làm giảm khả năng lọc của thận.
  2. Huyết áp cao: Áp lực lên các mạch máu trong thận do huyết áp cao dẫn đến tổn thương và suy giảm chức năng thận theo thời gian.
  3. Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây tổn thương thận, đặc biệt là khi sử dụng lâu dài. Cần sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và có hướng dẫn từ những người có chuyên môn.
  4. Bệnh nhiễm trùng: Nhiễm trùng huyết hoặc viêm nhiễm thận cũng có thể gây suy thận.
  5. Tắc nghẽn đường tiết niệu: Sỏi tiết niệu, viêm bàng quang, hoặc các bệnh liên quan đến đường tiết niệu có thể gây tắc nghẽn và suy thận.

V. Triệu chứng của bệnh suy thận

Các triệu chứng của tình trạng suy thận có thể dễ dàng nhận ra, có thể bao gồm những triệu chứng sau:

  1. Đi tiểu bất thường: Đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn thường, nước tiểu có bọt hoặc sủi bọt. Đồng thời khi thận không hoạt động hiệu quả, các chất thải và hóa chất trong nước tiểu có thể trở nên cô đặc hơn, dẫn đến mùi hôi hoặc mùi giống như amoniac.
  2. Cơ thể mệt mỏi: Khi thận không hoạt động hiệu quả, các chất thải như ure và creatinine tích tụ trong máu, gây ra cảm giác mệt mỏi và suy nhược. Ngoài ra, suy thận cũng có thể dẫn đến thiếu máu, do thận không sản xuất đủ hormone erythropoietin cần thiết để tạo ra hồng cầu.
  3. Phù nề cơ thể: Phù nề là một triệu chứng phổ biến ở những người bị suy thận, đặc biệt là suy thận mạn tính. Khi thận không còn khả năng lọc và loại bỏ chất lỏng dư thừa khỏi cơ thể, chất lỏng này sẽ tích tụ trong các mô, gây ra hiện tượng sưng phù.
  4. Hơi thở có mùi: Khi thận không hoạt động hiệu quả, các chất độc hại không được loại bỏ khỏi máu và có thể tích tụ trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến hơi thở có mùi hôi, thường được mô tả như mùi cá ươn hoặc mùi amoniac.
  5. Đau lưng: Đau lưng do suy thận thường xuất hiện ở vùng lưng dưới, ngay dưới lồng xương sườn, và có thể lan ra hai bên cột sống. Nguyên nhân là do thận bị tổn thương hoặc nhiễm trùng, dẫn đến việc tích tụ các chất thải và độc tố trong cơ thể.

VI. Chăm sóc sức khoẻ cho thận và phòng ngừa suy thận

Để phòng ngừa suy thận, ngoài những thói quen tốt đã được nêu trên bạn cần phải chú ý những vấn đề sau đây:

  • Kiểm soát đường huyết: Điều này giúp ngăn ngừa tổn thương thận do đái tháo đường.
  • Cẩn thận với chỉ số huyết áp: Điều hòa áp lực máu giúp bảo vệ sức khỏe thận.
  • Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng lành mạnh để giảm nguy cơ suy thận
  • Vấn đề dinh dưỡng: Ăn uống cân đối, giàu chất xơ và ít muối giúp bảo vệ thận.
  • Kiểm tra định kỳ: Khám sức khoẻ đúng tần suất để sớm phát hiện những bất thường.

VII. Những thực phẩm tốt cho thận

Có nhiều loại thực phẩm có thể giúp duy trì và cải thiện sức khỏe của thận. Một số thực phẩm bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày để tốt cho thận:

  • Lòng trắng trứng: Không chỉ giàu protein mà còn ít photpho, giúp giảm tải cho thận trong việc lọc chất thải. Protein từ lòng trắng trứng cũng giúp xây dựng và sửa chữa các mô cơ thể.
  • Rau cải bó xôi: Chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin A và C, giúp bảo vệ tế bào thận khỏi tổn thương do gốc tự do. Ngoài ra, cải bó xôi còn giàu kali, giúp cân bằng điện giải trong cơ thể.
  • Dầu ô liu: Axit oleic trong dầu ô liu có tác dụng chống viêm, giúp giảm viêm nhiễm trong thận. Polyphenol trong dầu ô liu cũng có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ.
  • Cá hồi: Omega-3 trong cá hồi giúp giảm viêm và cải thiện chức năng thận. Protein từ cá hồi cũng dễ tiêu hóa và cung cấp năng lượng cho cơ thể.
  • Táo và lê: Chất xơ trong táo và lê giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giảm nguy cơ táo bón và giúp thận hoạt động hiệu quả hơn. Vitamin C trong táo và lê cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch.
  • Ngũ cốc và hạt: Gạo lứt, yến mạch, hạt lanh, hạt chia, và hạt hướng dương đều chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe thận. Chúng cũng giúp duy trì mức đường huyết ổn định và cung cấp năng lượng bền vững.

Ngoài ra, bạn cần uống đủ nước mỗi ngày để giúp thận lọc bỏ chất thải hiệu quả. Hãy tránh các thực phẩm chứa nhiều muối, đường và chất béo bão hòa để giảm gánh nặng cho thận.

Ảnh minh hoạ: Internet

Bài trướcDu lịch ẩm thực Hải Phòng
Bài tiếp theoVì sao cây trồng không ra trái (quả)