I. Red flag là gì
Thuật ngữ “red flag” (cờ đỏ) xuất phát từ trong thể thao và quân đội là tín hiệu được dùng để cảnh báo các nguy hiểm sắp xuất hiện hoặc tình huống cần chú ý. Trong cuộc sống hàng ngày, “red flag” là một dấu hiệu cảnh báo cho các vấn đề hoặc rủi ro tiềm ẩn trong một mối quan hệ có thể sắp xảy đến, dù đó là tình cảm nam nữ, bạn bè hay đồng nghiệp.
Nếu bạn thấy những dấu hiệu được xem là “red flag” trong mối quan hệ của mình, hãy xem xét lại một cách nghiêm túc về mối quan hệ đó. Càng sớm chấm dứt mối quan hệ “red flag”, càng nhiều khả năng bạn thoát khỏi tình trạng bị tổn thương.
II. Những tổn thương mà “red flag” có thể mang đến
Những “red flag” trong mối quan hệ có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả hai bên, một số hậu quả tiềm ẩn có thể mang đến:
2.1 Đổ vỡ mối quan hệ: Có thể là vô tình, họ không tự nhận thức được bản thân mình chính là một “red flag” hoặc mặc dù đã biết bản thân là “red flag”, nhưng không thể sửa chữa bản tính của mình… Mối quan hệ đôi bên thường xảy ra đổ vỡ nhanh chóng mà không thể hàn gắn được vì những nhu cầu chính của một mối quan hệ như: tin tưởng, hỗ trợ, tôn trọng, tự do, hiểu nhau… không thể đáp ứng.
2.2 Tổn thương tinh thần: Dù là từ bỏ hoặc cắt đứt một mối quan hệ với “red flag”, một số trường hợp vẫn không thể vượt qua được những cú sốc tinh thần do đỗ vỡ. Những người này thường có vấn đề về tâm lý như: Sợ cô đơn, sợ người khác đánh giá, sợ phải bắt đầu lại một mối quan hệ khác…
2.3 Tình trạng sức khỏe kém: Mối quan hệ không lành mạnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. “Red flag” có thể can thiệp vào các nhu cầu cơ bản của con người như: Nhu cầu sinh học, Nhu cầu an toàn, Nhu cầu xã hội, Nhu cầu được tôn trọng, Nhu cầu tự khẳng định bản thân.
2.4 Mất niềm tin: Một số trường hợp một số người có thể bị mất niềm tin vào các mối quan hệ và khó khăn khi thiết lập các mối quan hệ mới khi đã trải qua nhiều mối quan hệ “red flag”. Xin ví dụ về một số cô gái luôn khẳng định là “Đàn ông luôn xấu” nhưng việc lựa chọn bạn trai của cô ấy trên tiêu chí những người đàn ông có tiền và thú vị ở các hộp đêm thay vì những anh chàng chăm chỉ đọc sách tại thư viện.
Nên nhớ rằng những tín hiệu “red flag” luôn xuất hiện để cảnh báo trước cho bạn và việc lựa chọn bước ra khỏi “red flag” là do chính bạn. Việc nhận biết các tín hiệu “red flag” là thực sự quan trọng để bảo vệ bản thân và xây dựng mối quan hệ lành mạnh. Hãy lắng nghe bản thân bạn và đừng bỏ qua những dấu hiệu này!
III. Dấu hiệu của “red flag”
1. Những dấu hiệu sớm của “red flag”
Những dấu hiệu sớm của “red flag” đã có thể xuất hiện ngay từ ban đầu khi cả hai đang tìm hiểu và xây dựng mối quan hệ. Khi mới bắt đầu, đôi bên đều cố gắng tỏ ra tốt đẹp hoặc giả vờ che lấp bản chất thật của mình để xây dựng hình tượng tốt trong mắt đối phương. Tuy nhiên không quá khó để bạn có thể nhận ra những dấu hiệu “red flag” này:
1.1 Cách đối xử với những người có địa vị xã hội thấp hơn: Hãy nhìn cách họ đối xử với những người như: Người phục vụ, người lao công, bác bảo vệ… cách họ sử dụng từ ngữ và cữ chỉ có thân thiện và coi trọng những người này hay không? Một “red flag” có thể trở nên lịch sự và tôn trọng bạn nhưng họ khó đóng giả điều đó khi đối xử với tất cả mọi người, trừ khi sự lịch sự và tôn trọng người khác là bản tín vốn có của họ.
1.2 Xem tính cách những người bạn: Người xưa có câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” nghĩa là những người có sự tương đồng về tính cách sẽ tự gắn kết trong một mối quan hệ. Bạn bè sẽ có sức hút và gắn kết với nhau nếu họ có cùng sở thích chung hoặc tính cách tương đồng. Bạn phải đặt câu hỏi khi thấy một người chăm chỉ làm việc lại kết bạn với rất nhiều thanh niên giao du ăn nhậu tối ngày. Trừ trường hợp họ có quan hệ gia đình huyết thống, ngoài ra không có gì hấp dẫn một anh chàng không đi nhậu với những anh bợm nhậu tối ngày say xỉn cả.
1.3 Không giữ được mối quan hệ tốt với gia đình: Gia đình là những người có cùng chung huyết thống, tuy trong gia đình có người này người kia, nhưng đã là gia đình thì phải luôn yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau. Nếu một người không thể giữ quan hệ bình thường với những người trong gia đình như cha mẹ hoặc anh chị… rất có thể người đó đang gặp vấn đề gì đó. Đừng chỉ nghe thông tin từ một phía, hãy tìm hiểu nguyên nhân thật sự vì sao họ không thể hoà hợp với nhau.
1.4 Bộc lộ bản chất thật khi đạt đến giới hạn: Bản tính của con người thường bộc lộ tự phát khi họ rơi vào những trường hợp đặc biệt như: Khi đói, khi say, khi gây ra lỗi, khi bị xem thường… Chỉ một số ít những người có EQ cao mới có thể giữ được bình tĩnh trong những tình huống như vậy. Bạn có thấy người đó quát tháo nhân viên nhà hàng khi thức ăn được đến chậm; Va quệt với xe người khác nhưng không biết cách xin lỗi lại còn gây sự; hay là sẵn sàng động tay động chân với một người xa lạ khi bị xem thường dù cả hai có thể chọn cách thoả thuận giải quyết… Những tình huống này chắc chắn là một dấu hiệu sớm của “red flag” mà bạn nên cân nhắc.
1.5 Lịch sử những mối quan hệ: Ai cũng đều có quá khứ, lỗi lầm sai sót đã gây ra có thể tự sửa chữa và nhận thức được thì chắc chắn sẽ không tái diễn lần nữa. Tuy nhiên nếu một người có lịch sử những mối quan hệ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần những “vết xe đổ” cũ thì chắc chắn tương lai họ lại sẽ lại lặp lại đúng như thế. Một việc xảy ra 1 lần có thể là ngẫu nhiên, nhưng nếu xảy ra 3 lần thì chắc chắn nói sẽ lại tiếp tục xảy ra lần thứ 4.
1.6 Không yêu trẻ con hoặc thú cưng: Trẻ con và thú cưng là những sinh vật dễ thương và hầu như là vô hại, những người yêu mến trẻ con và thú cưng thường là những người giàu tình cảm và có lòng trắc ẩn. Ngược lại có thể cho thấy đó là một người có cảm xúc nghèo nàn hoặc chỉ biết quan tâm đến bản thân họ. Tuy nhiên cũng cần xem xét những nguyên nhân trong quá khứ như là bị những ám ảnh tâm lý hoặc có thể do họ dị ứng với một số loại động vật.
2. Những tín hiệu rõ ràng của “red flag”
Khi đã qua thời kỳ tìm hiểu của đôi bên, những dấu hiệu sớm của “red flag” không còn nữa mà sẽ chuyển thành những tín hiệu “red flag” rõ ràng hơn. Điều này xảy ra khi mối quan hệ giữa hai bên đã tương đối phụ thuộc vào nhau, “red flag” sẽ không còn cần “đóng kịch” như trước mà sẽ tự nhiên biểu lộ những bản tính của mình.
2.1 Bạn bị kiểm soát và mất quyền quyết định chính cuộc đời mình
Những nhu cầu cơ bản của con người theo tháp nhu cầu là: Nhu cầu sinh học, Nhu cầu an toàn, Nhu cầu xã hội, Nhu cầu được tôn trọng, Nhu cầu tự khẳng định bản thân là những nhu cầu cơ bản của con người. Hãy xem những nhu cầu này bị xâm phạm qua một số ví dụ:
-
- Cô đã ăn quá nhiều và càng ngày càng xấu, tôi sẽ không cho cô ăn nữa. (xâm phạm nhu cầu sinh học)
- Cô đưa chìa khoá phòng riêng của cô đây cho tôi giữ. (xâm phạm nhu cầu an toàn)
- Cô không được nói chuyện với bất cứ người đàn ông nào khác, tôi không thích. (xâm phạm nhu cầu xã hội)
- Cô là con gái thì biết cái gì hả. (xâm phạm nhu cầu được tôn trọng)
- Đàn bà thì chỉ nên ở nhà trông con, làm ăn buôn bán chẳng được mấy đồng đâu. (xâm phạm nhu cầu tự khẳng định bản thân)
2.2 Bạn bị lạm dụng
Bất cứ hình thức lạm dụng nào, như lạm dụng về mặt thể xác, lạm dụng về của cải vật chất,… mà không được sự đồng ý của bạn hoặc người đó thậm chí không quan tâm đến việc bạn cảm thấy như thế nào chắc chắn sẽ là một dấu hiệu “red flag”. Không đáp ứng những nhu cầu vô lý của họ để xem cách họ phản ứng và họ có thay đổi hay không, nếu không hãy để họ ra đi.
2.3 Mối quan hệ không còn được nuôi dưỡng từ hai phía
Đôi khi bạn chợt nhận thấy bạn đã bị thay đổi như thế nào và không còn là chính bạn nữa trong mối quan hệ. Việc kéo dài mối quan hệ luôn làm cho bạn cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, không cảm thấy hạnh phúc… Mặt dù bản thân bạn không sai, nhưng bất kỳ mối quan hệ nào cũng phải được nuôi dưỡng từ cả hai phía. Một số dấu hiệu cho thấy mối quan hệ không được nuôi dưỡng đúng cách:
- Thiếu tin tưởng: Không tin tưởng hoặc ghen tuông không hợp lý
- Chỉ yêu bản thân họ: Tỏ ra là họ vượt trội và xem thường những cảm xúc của bạn
- Không giao tiếp: Từ chối giao tiếp với bạn, dù là nhắn tin hay nói chuyện
- Không chia sẻ: Luôn giữ bí mật cho riêng bản thân họ hoặc nói dối bạn.
IV. Vì sao không thể thoát khỏi một “red flag”
Có thể khi đọc đến đây bạn bắt đầu tự hỏi rằng, tại sao sau tất cả những dấu hiệu “red flag” quá rõ ràng đó mà một số người vẫn không thể hoặc không muốn bước ra khỏi những mối quan hệ kinh khủng này. Có thể sau đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến một người không thể tự mình bước ra khỏi một mối quan hệ “red flag”
1. Quá giàu lòng vị tha: Những “red flag” sẽ liên tục phạm lỗi và liên tục tìm cách xin lỗi để cầu xin sự tha thứ hết lần này đến lần khác. Họ không những thề hứa bằng lời mà còn tự làm bản thân đau đớn để người kia sợ hãi và phải tha thứ cho họ. Nếu họ nói với bạn rằng: “lần sau sẽ không như vậy nữa”, hãy nhớ lại xem họ đã nói điều này bao nhiêu lần và đã có những cố gắng thay đổi nào để thực hiện lời hứa đó hay không.
2. Không tự tin vào bản thân: Một số người tự đánh giá bản thân và cho rằng: họ không đẹp, họ không giàu, họ không giỏi… nên việc có 1 người chấp nhận được họ, dù người đó có là một “red flag” đi chăng nữa thì họ đã quá may mắn rồi. Sợ rằng khi từ bỏ mối quan hệ này, không thể tìm thấy được một người khác có thể chấp nhận được những khiếm khuyết của họ. Nên nhớ rằng việc bạn sống độc thân sẽ ít rắc rối và thất vọng hơn là bạn phải chọn sai người và ở với họ suốt cuộc đời.
3. Đã quen với việc bị đối xử như vậy trong quá khứ: Những người sống trong gia đình lúc nhỏ bị bạo hành sẽ có xu hướng bạo hành người khác, và đồng thời những người bị bạo hành có thể quen với điều đó và xem việc bạo hành là chuyện bình thường. Việc bạo hành cả về thể xác lẫn bằng lời nói như cách dùng các từ ngữ miệt thị sẽ dần ngấm sâu vào tiềm thức của đối phương. Khi con người quen với việc đó, họ thậm chí còn chấp nhận điều đó một cách hiển nhiên như một sự thật.
4. Không muốn đánh mất danh tiếng: Là người tài giỏi, giàu có, xinh đẹp… nhưng tiếc thay lại lựa chọn phải một “red flag” trong mối quan hệ. Đa phần nạn nhân sẽ tự diễn kịch để mọi người bên ngoài lầm tưởng họ vẫn đang ở trong một mối quan hệ hạnh phúc. Ngay cả những dấu vết như vết bầm tím, vết thương trên cơ thể do những xung đột mâu thuẩn trong mối quan hệ cũng sẽ được hợp pháp hoá thành những vết thương do vô ý té ngã, va quẹt…
V. Thoát khỏi mối quan hệ với “red flag”
Để thoát khỏi một mối quan hệ với “red flag” đồng thời phải đến từ sự kiên quyết của bản thân nạn nhân cũng như sự động viên và can thiệp của những người thân và bạn bè. Càng sớm thoát khỏi mối quan hệ với “red flag”, càng ít bị tổn thương thể chất và tinh thần.
Cần thu thập những bằng chứng bằng cách ghi lại những hình ảnh và lời nói, có thể sử dụng những bằng chứng này để bảo vệ nạn nhân cũng như nhờ sự can thiệp của pháp luật.
Ảnh minh hoạ: Internet