I. Hậu quả cháy nổ do thiếu kiến thức hay bất cẩn
Hậu quả của cháy nổ có thể gây ra nhiều tác động nghiêm trọng như huỷ hoại tài sản lên đến hàng tỷ đồng hay lấy đi tính mạng con người. Đa số các vụ hoả hoạn đều đến từ việc thiếu kiến thức phòng tránh cháy nổ hoặc các lý do bất cẩn. Nâng cao ý thức và phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy là cách thiết thực nhất để làm giảm đi khả năng cháy nổ và bảo vệ tài sản lẫn tính mạng con người.
Thống kê các nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy nổ tại Việt Nam:
- Chập điện: 46%
- Do lỗi bất cẩn: 21%
- Rò rĩ chất gây cháy: 18%
- Ma sát gây tia lửa: 15%
II. Những nguyên nhân phổ biến gây cháy nổ và cách phòng ngừa
Một số hành động được cho là bất cẩn hay thiếu kiến thức có thể gây đến những vụ hoả hoạn đau thương không thể lường trước, cần xem xét và phòng tránh những hành động sau đây để đảm bảo an toàn và phòng tránh cháy nổ.
- Hút thuốc: Hút thuốc được xem là một trong nguyên nhân gây cháy hàng đầu. Thói quen hút thuốc trong phòng ngủ làm cho những tàn thuốc hoặc đóm lửa bắt cháy vào những vật liệu dễ cháy trong phòng ngủ gây nguy cơ cháy rất cao. Cần tránh việc hút thuốc ở những nơi dễ cháy như phòng ngủ, thay vào đó có thể hút thuốc ở ban công và dập tắt hoàn toàn tàn thuốc sau khi hút.
- Quạt gió hư cũ: Quạt gió bị kẹt trục hoặc vướng vật cản không quay được, năng lượng điện thay vì được chuyển thành cơ năng để quay cánh quạt, kết quả toàn bộ điện năng bị chuyển thành thế năng và làm nóng cuộn dây, gây cháy toàn bộ cuộn dây. Đây là lý do gây cháy phổ biến nhất ở các khu chợ. Cần kiểm tra và thay mới quạt gió khi có dấu hiệu quạt không quay ổn định.
- Chập điện do tiếp xúc kém: Các phích cắm và ổ cắm khi sử dụng lâu ngày trở nên lỏng lẽo, những khoản hở khi tiếp xúc điện kém sẽ tạo ra tia lửa điện. Bạn sẽ nghe những tiếng “xẹt xẹt” kèm theo mùi khét khi các tiếp điểm tiếp xúc kém. Những tia lửa điện này bắn ra khi gặp vật liệu dễ cháy dễ tạo thành hoả hoạn. Thay mới những ổ điện cũ là một phương pháp đảm bảo an toàn cháy nổ.
- Quá tải điện: Việc sử dụng quá nhiều thiết bị tiêu thụ điện trên cùng một đường dây có thể gây tình trạng quá tải và làm chập cháy dây điện. Các thiết bị công suất lớn như: Nồi cơm điện, bàn ủi, máy lạnh, máy giặt, ấm đun nước, bếp điện… cần phải có ổ cắm điện riêng và đường dây điện phải là loại lớn để đảm bảo khả năng tải điện.
- Thiếu thiết bị bảo vệ: Các thiết bị bảo vệ như MCB hay cầu chỉ dây chảy đảm bảo việc tự động ngắt mạch khi có tình trạng quá tải. Không sử dụng các thiết bị bảo vệ này hoặc sử dụng nhưng không đúng thông số (MCB hoặc dây chảy chì có điểm bảo vệ quá cao) cũng làm cho chúng hoạt động không hiệu quả và có thể gây cháy. Hãy yêu cầu lắp đặt những thiết bị bảo vệ với thông số phù hợp.
- Sự cố rò rỉ chất gây cháy: Gas hoặc chất đốt đều có những thiết bị bảo vệ để tự động ngắt. Trường hợp sử dụng các hệ thống quá cũ như đường ống hoặc vỏ bình không đạt chất lượng có thể gây rò rỉ, tạo nên nguy cơ hoả hoạn rất cao. Lưu ý rằng mùi hắt trong khí gas được thêm vào để cảnh báo tình trạng rò rỉ gas cho người sử dụng.
- Sạc pin: Các thiết bị sử dụng pin như điện thoại, xe điện… khi sạc với dòng điện lớn có thể gây tăng nhiệt độ cho pin và tạo ra nguy cơ cháy nổ. Cần tránh sạc pin khi pin đang ở nhiệt độ cao hay vừa sạc vừa sử dụng, rất nguy hiểm.
- Thờ cúng: Khi thờ cúng thắp nhang đèn, tàn nhang hoặc nến có thể bị đổ ngã hoặc bay vào những nơi dễ cháy. Việc đốt giấy vàng mã cũng là một nguyên nhân dễ gây cháy. Cách hạn chế nguy cơ cháy là hãy sử dụng các loại nhang đèn điện tử không tạo lửa và hạn chế việc đốt vàng mã.
- Hàn cắt: Việc hàn cắt khi xây dựng hay sửa chữa nhà cửa gây ra rất nhiều tia lửa, những tia lửa này văng rất xa và có khả năng gây cháy cao. Theo quy định PCCC, khi thực hiện hàn cắt phải để sẵn bình chữa cháy gần vị trí thi công.
- Quên tắt các thiết bị: Những thiết bị sinh ra nhiệt như bàn là (bàn ủi), máy sấy, bếp điện máy nóng lạnh… cần phải được tắt và rút điện hoàn toàn sau khi sử dụng. Điều này để tránh những tác động vô ý như trẻ con hoặc thú cưng có thể bật chúng hoạt động và gây hoả hoạn.
III. 3 yếu tố duy trì sự cháy và cách dập cháy
Duy trì sự cháy có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, tuy nhiên ba nguyên nhân chính của sự cháy là:
- Nhiệt độ: Nhiệt độ cao có thể duy trì sự cháy bằng cách cung cấp năng lượng cho phản ứng hóa học. Điều này thường xảy ra trong các vụ cháy rừng hoặc trong các quá trình sản xuất công nghiệp.
- Nhiên liệu: Sự cháy cần có nhiên liệu. Nếu có đủ nhiên liệu (ví dụ: xăng, gỗ, giấy), sự cháy có thể tiếp tục tồn tại. Điều này áp dụng cho cả cháy trong không khí và cháy trong không gian hạn chế (ví dụ: trong lò hoặc đốt cháy trong ống khói).
- Khí oxy: Oxy là một phần quan trọng của sự cháy. Nếu không có đủ oxy, sự cháy sẽ không thể duy trì. Điều này giải thích tại sao người ta thường sử dụng bình chữa cháy để cắt nguồn cung cấp oxy cho ngọn lửa.
Để dập tắt đám cháy, thông thường ta sẽ cách ly đám cháy khỏi 3 yếu tố duy trì sự cháy này. Có thể dùng nước để giảm nhiệt độ các chất gây cháy, cách ly đám cháy khỏi các nguồn nguyên liệu dễ cháy, hoặc phủ trùm đám cháy để đám cháy không còn oxy. Hai loại bình chữa cháy thường dùng nhất là bình CO2 và bình bột.
3.1 Bình chữa cháy CO²
- Cách hoạt động của bình chữa cháy CO²:
- Bình chữa cháy CO² hoạt động bằng cách phun khí CO² vào khu vực cháy.
- Khí CO² làm giảm nồng độ oxi trong không khí, từ đó ngăn chặn quá trình cháy.
- CO² không gây hại cho con người và không để lại dư vết sau khi sử dụng.
- Ứng dụng của bình chữa cháy CO²:
- Sử dụng trong các phòng máy tính, phòng điện tử, và các khu vực có thiết bị điện tử quan trọng.
- Thích hợp cho các loại đám cháy không gây ra tạo ra tro, như cháy điện, cháy dầu, cháy khí, và cháy khí đốt.
- Lưu ý khi sử dụng bình chữa cháy CO²:
- Không nên sử dụng trong các khu vực có người ở, vì khí CO² có thể gây ngạt thở.
- Cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng và kiểm tra định kỳ bình chữa cháy.
3.2 Bình bột chữa cháy
- Loại bột chữa cháy:
- Bột ABC: Đây là loại bột đa năng, phù hợp để dập tắt nhiều loại đám cháy, bao gồm cháy gỗ, cháy chất lỏng (xăng, dầu), và cháy điện.
- Bột BC: Thích hợp cho việc dập tắt cháy điện và cháy chất lỏng.
- Bột A: Dùng để dập tắt cháy gỗ và cháy chất rắn.
- Cách sử dụng bình chữa cháy bột:
- Rút chốt niêm phong.
- Hướng loa phun vào đám cháy.
- Bóp mạnh van xả để phun bột lên lửa.
- Dập tắt hoàn toàn đám cháy.
- Lưu ý khi sử dụng:
- Đảm bảo bình chữa cháy luôn ở gần và dễ tiếp cận.
- Kiểm tra định kỳ và thay bột khi cần.
IV. Pin thiết bị điện – trường hợp ngoại lệ cần lưu ý
Pin thiết bị điện thường sử dụng pin lithium-ion, là loại pin có khả năng cháy nổ cao và không thể sử dụng nước hay bình chữa cháy mini để dập tắt. Khi pin bắt lửa, nó sẽ tạo ra một lượng nhiệt rất lớn. Nhiệt độ này có thể khiến pin tiếp tục cháy hoặc phát nổ.
Đám cháy do pin thiết bị điện không cần oxy để duy trì, trong khi đó nguyên lý của các bình chữa cháy thông thường là làm cách ly chất cháy với oxy để ngăn phản ứng cháy. Chính vì vậy, việc dùng bình chữa cháy để dập tắt đám lửa khi cháy pin điện là không hiệu quả.
Khi thấy pin điên bị cháy, đừng cố sử dụng nước, bình cứu hỏa hay chăn thông thường để tập tắt ngọn lửa. Do không có cách dập tắt nguồn cháy là các hóa chất bên trong pin điện, nên việc có thể làm lúc này là cách ly đám cháy khỏi những vật liệu dễ cháy khác để chống cháy lan.
Đồng thời nếu đám cháy nghiêm trọng, hãy gọi cho cứu hỏa và nhanh chóng truy hô người dân chạy thoát để tránh bị bỏng và ngạt khí độc do pin phát nổ.
V. An toàn cháy nổ – bảo vệ cho mình và mọi người
Ngoài việc bổ sung kiến thức và phòng tránh các nguyên nhân phổ biến nêu trên, bạn hãy trang bị thêm các hệ thống cảnh báo cháy và chữa cháy, đồng thời sắp xếp các đồ vật dễ cháy hoặc có khả năng cháy cách xa nhau. Phòng tránh cháy nổ là bảo vệ sự an toàn cho bản thân và mọi người.
Ảnh minh hoạ: Internet