I. Huyết áp thấp là như thế nào
Huyết áp thấp là tình trạng áp lực vận chuyển máu của tim thấp hơn đáng kể so với chỉ số huyết áp trung bình. Chỉ số huyết áp của người bình thường là 120/80 mmHg (huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương).
Huyết áp thấp được chẩn đoán khi chỉ số huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg, kết quả này được đo khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi.
Người bị huyết áp thấp có thể gặp khó khăn trong việc vận chuyển máu tới các tế bào của cơ thể, khiến các bộ phận không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng khác. Đây có thể dấu hiệu cảnh báo cho một số vấn đề nguy hiểm xảy ra ở tim, thận, tuyến giáp và hệ thần kinh thực vật.
Nếu bạn đã được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh huyết áp thấp, hoặc huyết áp đột ngột giảm xuống dưới 90/60 mmHg, bạn cần được theo dõi và điều trị. Đối với những người già và người có bệnh mạn tính, việc quan tâm và điều trị huyết áp thấp là cần thiết để tránh nguy cơ không đủ cung cấp máu cho não và các cơ quan khác trong cơ thể, điều này có thể gây những biến chứng rất nguy hiểm.
II. Những dấu hiệu của huyết áp thấp
Huyết áp thấp có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, một số triệu chứng phổ biến hay xuất hiện khi bạn bị huyết áp thấp:
- Cảm giác hoa mắt hoặc mờ dần: Thường xuất hiện khi bạn thay đổi tư thế đột ngột, ví dụ như đứng dậy sau khi ngồi lâu hoặc bật dậy từ tư thế nằm.
- Ngất xỉu: Huyết áp quá thấp có thể dẫn đến tình trạng ngất xỉu, bị choáng, và trong trường hợp nặng, tình trạng bệnh huyết áp thấp có thể đe dọa cả tính mạng.
- Mệt mỏi: Cơ thể không cung cấp đủ máu cho não và các cơ quan khác, gây ra cảm giác mệt mỏi.
- Khó tập trung: Huyết áp thấp có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung vì cơ thể không cung cấp đủ lượng ôxy và máu cung cấp cho não.
- Buồn nôn: Một số người có thể trải qua triệu chứng này khi bị huyết áp thấp.