I. Bạn cần điều gì ở một công việc
Theo khái niệm IKIGAI của người Nhật, một công việc có 4 yếu tố (4 vòng tròn lớn) tạo thành. Bạn có thể chọn nghề nghiệp từ 1 trong 4 yếu tố này:
- Công việc bạn yêu thích: Liên quan đến những ước mơ của riêng bạn hoặc công việc giống như công việc của thần tượng của bạn: Hoạ sỹ, Ca sỹ, Vũ công…
- Công việc cần cho xã hội: Những công việc rất bình thường nhưng không thể thiếu trong xã hội như: Người quét rác, Nhân viên gác tàu…
- Công việc bạn làm giỏi: Những việc bạn có năng khiếu và bạn thực sự làm giỏi nó mà có ít người có thể đạt đến khả năng của bạn: Bác sỹ, Kỹ sư, Nhà nghiên cứu…
- Công việc có thu nhập: Những công việc mang lại nhiều thu nhập cho bạn: Giám đốc, Thương gia, Chuyên gia tài chính…
Thay vì chọn riêng lẻ một vòng tròn, nếu ta có thể chọn công việc ở những điểm giao nhau của 2 vòng tròn, điều này giúp công việc ta lựa chọn sẽ càng giúp ta hài lòng:
- Yêu thích + Xã hội = Công việc có Sứ mệnh
- Xã hội + Thu nhập = Công việc có Sự nghiệp
- Làm tốt + Thu nhập = Công việc có Chuyên môn
- Làm tốt + Yêu thích = Công việc có Đam mê
Tương tự nếu ta có thể chọn công việc ở những điểm giao nhau của 3 vòng tròn, công việc chúng ta lựa chọn được sẽ khiến chúng ta hài lòng hơn nữa. Và nếu công việc là sự hội tụ của cả 4 yếu tố: Yêu thích + Xã hội + Làm tốt + Thu nhập, đó là công việc hoàn hảo nhất, người Nhật gọi công việc này mang đến cho chúng ta “Lý do của sự tồn tại”.
II. Bạn cần làm gì để có được công việc đáng mơ ước
Rất khó để đạt được công việc mà bạn có thể mong ước, tuy nhiên việc chuẩn bị và thử thách bản thân là cần thiết để có một công việc tốt hơn trong tương lai.
2.1 Xác định công việc bạn Yêu thích
- Xác định sở thích và ước mơ của bạn, sau đó tìm những công việc có liên quan. Bạn có thể liệt kê chúng thành danh sách các công việc yêu thích.
- Hãy thử trải nghiệm những công việc này để xem bạn có thực sự thích chúng hay không. Một số công việc nghe qua có vẻ rất hay nhưng để có thể gắn bó lâu dài thì cần phải có trải nghiệm từ thực tế thì mới biết được. Nếu bạn không thể gắn bó với công việc khi đối diện với những vấn đề phát sinh từ công việc đó thì bạn không yêu thích chúng như bạn nghĩ đâu.
2.2 Xác định công việc cần cho Xã hội
- Xem xét % giữa nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu ứng tuyển của một công việc, đơn giản hơn là xem tỷ lệ thất nghiệp của nghề nghiệp đó để đánh giá xem xã hội có cần nhiều nhân lực cho ngành nghề đó hay không.
- Xác định nhu cầu công việc đó trong tương lai sẽ phát triển như thế nào. Một số công việc như Thu ngân, Tài chính, Kế toán… được dự đoán là sẽ bị AI thay thế, việc bạn đầu tư cho một công việc mà xã hội không có nhu cầu trong tương lai có thể là không tốt.
2.3 Xác định công việc bạn Làm giỏi
- Xác định sở trường của bạn, chú ý đến những năng khiếu khiến bạn vượt trội hơn những người khác. Bạn có thể xác định công việc mình làm giỏi thông qua việc xác định khả năng của bản thân trong 8 loại Trí thông minh: Không gian, Ngôn ngữ, Toán học, Thể chất, Âm nhạc, Tương tác, Cá nhân, Tự nhiên.
- Rèn giũa những kỹ năng và năng khiếu này theo hướng những kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai. Nếu bạn có khả năng đánh máy nhanh, có thể kết hợp học thêm khả năng lập trình để trở thành một Lập trình viên hoặc trao dồi khả năng viết lách để trở thành Người viết nội dung…
2.4 Xác định công việc có Thu nhập
- Tham khảo các nghề nghiệp có mức lương phù hợp với nhu cầu bản thân mình và nhu cầu tuyển dụng trong tương lai của công việc đó để xác định mức thu nhập bạn mong muốn có thể đạt được.
- Nên nhớ là công việc việc nào cũng có mức chi trả phù hợp với giá trị bản thân bạn, vậy nên hãy tìm cách nâng giá trị bản thân để có thể đạt được mức lương mong muốn.
III. Đừng quá vội vàng
Để đạt được công việc đáng mơ ước là một hành trình thử nghiệm bản thân và cố gắng trong gian khổ để ngày càng hoàn thiện chính mình. Nên nhớ rằng việc chọn nghề nghiệp tương lai không chỉ dựa trên kỹ năng và kiến thức của bản thân, mà còn phụ thuộc vào tính cách và giá trị cá nhân của bạn. Chúc bạn sớm tìm được công việc phù hợp với bản thân.
Ảnh minh hoạ: Internet