I. Mùa hè nắng nóng và những nguyên nhân tiềm ẩn ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ
Vào mùa hè nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển mạnh, đồng thời khi tiếp xúc với nhiệt độ môi trường vượt mức 30 độ C, lâu dài sức đề kháng của cơ thể sẽ bị giảm sút.
Vì cả hai nguyên nhân tác động trên, nhiều bệnh thường gặp mùa nắng nóng thường xuất hiện và bùng phát mang tính chu kỳ như: Ngộ độc thực phẩm, bị sốc nhiệt, viêm họng, sốt siêu vi… Những đối tượng có hệ miễn dịch và sức đề kháng yếu như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai… là những người cần đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khoẻ.
Bài viết mang đến thông tin hữu ích về những nguyên nhân và một số biện pháp phòng ngừa các bệnh thường gặp mùa nắng nóng, bảo vệ sức khoẻ, cùng theo dõi nhé.
II. Các bệnh thường gặp mùa nắng nóng
1. Ngộ độc thực phẩm
Nguyên nhân: Nhiệt độ tăng cao làm cho vi khuẩn phát triển nhanh theo cấp số nhân, thực phẩm như thịt cá, hải sản, bơ sữa… bảo quản không đúng cách sẽ dễ dàng bị ôi thiu, biến chất chỉ trong vài giờ.
Triệu chứng: Ngộ độc thực phẩm nặng sẽ gây nôn mửa ngay lập tức, đau bụng quằn quại, mạch đập nhanh, bệnh nhân bị ngất xỉu và cần được đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Các triệu chứng nhẹ hơn của ngộ độc thực phẩm như: tiêu chảy, khó tiêu, đau bụng âm ỉ… bệnh nhân vẫn cần phải sớm đến các cơ sở điều trị kịp thời.
Phòng ngừa: Để không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, khi bảo quản và chế biến thực phẩm cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hãy bảo quản nguyên liệu theo đúng cách: các sản phẩm như thịt cá, hải sản cần phải được bảo quản ở ngăn đông, chế biến ngay sau khi đã rả đông đúng cách. Với bơ sữa, trái cây… hãy bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh
Kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm: Sắp xếp các nguyên liệu nấu ăn theo nguyên tắc: Mua trước thì sử dụng trước. Loại bỏ những nguyên liệu đã quá hạn sử dụng, có hiện tượng bốc mùi, lên mốc, thay đổi màu sắc.
Không sử dụng thức ăn đã hâm nóng lại nhiều lần: Nhiều gia đình có thói quen nấu một lần và hâm nóng lại ăn trong nhiều bữa, việc này nên hạn chế bằng cách tính toán nấu vừa đủ lượng đồ ăn cho mỗi bữa ăn.
Hạn chế ăn hàng quán bên ngoài những nơi không có uy tín: Việc lựa chọn và bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn khi ăn uống bên ngoài đều chủ yếu dựa vào đạo đức và uy tín của những hàng quán.
Hãy thay đổi hoặc giảm thói quen ăn ngoài bằng cách tự nấu ăn để đảm bảo sức khoẻ cho bạn và gia đình.
2. Viêm họng
Nguyên nhân: Vào mùa nóng nhiệt độ tăng cao, ai cũng thích một ly nước đá lạnh, một cây kem… để giúp cơ thể giải nhiệt nhanh chóng. Tuy nhiên, việc sử dụng nước đá lạnh thường xuyên hoặc ở trong môi trường máy lạnh điều hoà sẽ làm các tổ chức trong cổ họng bị kích thích phù mề lên. Tạo điều kiện vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và gây ra các triệu chứng viêm họng.
Triệu chứng: Viêm họng làm các mô trong cổ họng bệnh nhân sưng to, gây đau rát khó chịu đặc biệt là khi nuốt. Giọng nói cũng bị thay đổi gây khó khăn trong việc phát âm, ảnh hưởng đến việc giao tiếp.
Phòng ngừa: Không uống nước quá lạnh và thường xuyên vào những ngày nắng nóng, hãy giảm lượng đá lạnh sử dụng cho phù hợp để lượng nước chỉ hơi mát, cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn.
Không ở trong phòng lạnh điều hoà quá lâu cũng như không bật nhiệt độ lạnh thấp hơn 22 độ C, hãy ra ngoài hít thở khí trời khi nhiệt độ thấp hơn vào những buổi chiều mát thay vì ở luôn trong phòng lạnh điều hoà.
Viêm họng là do vi khuẩn gây ra, vì vậy việc vệ sinh răng miệng thường xuyên bằng cách đánh răng hoặc dùng nước súc miệng định kỳ.
3. Sốt siêu vi (sốt virus)
Sốt siêu vi là tên gọi chung cho các triệu chứng sốt do virus xâm nhập vào cơ thể, chủ yếu qua đường hô hấp và lây từ người sang người. Virus gây bệnh thường phát triển mạnh khi thời tiết thay đổi đột ngột từ đang nắng nóng lại chuyển mưa hoặc ngược lại, trẻ em là đối tượng dễ bị sốt siêu vi nhất.
Sốt siêu vi hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị, để phòng và trị bệnh sốt siêu vi cần tăng cường sức đề kháng và làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Lưu ý rằng dù cho sốt siêu vi thường có thể tự khỏi sau từ 7 đến 10 ngày, nhưng cũng có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Nguyên nhân: Sốt siêu vi lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp khi trò chuyện với người bệnh, hoặc khi tiếp xúc với nước bọt, dịch của người bệnh. Virus sẽ xâm nhập qua đường ăn uống khi sử dụng chung các vật dụng như ly chén, tay nắm cửa…
Triệu chứng: Các triệu chứng thường gặp nhất của sốt siêu vi là nhiệt độ cơ thể tăng cao từ 38 đến 41 độ C, cơ bắp mệt mõi và đau nhứt, viêm họng ho và chảy nước mũi, phát ban nổi mẫn ngứa trên da…
Đôi khi ở trẻ còn có thêm các triệu chứng như chảy máu cam, mắt đỏ, khó thở hoặc thở nhanh, tiêu chảy hoặc nôn mữa. Cần phải mang bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được chuẩn đoán và chăm sóc kịp thời.
Điều trị: Vì chưa có thuốc đặc trị nên việc chăm sóc người bệnh chủ yếu giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái nhất và làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh.
Nên để bệnh nhân nghỉ ngơi ở nơi yên tỉnh thông thoáng, mặc quần áo mỏng thoải mái. Sử dụng thuốc hạ sốt để tránh nhiệt độ cơ thể tăng quá cao dễ dẫn đến các triệu chứng co giật hoặc mê sảng.
Cho bệnh nhân ăn những thức ăn đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hoá như cháo thịt kèm rau củ quả đã hầm nhuyễn. Uống đủ nước, cung cấp thêm trái cây đặc biệt là vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân.
Nếu bệnh trở nên nặng hơn, cần đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở y tế để điều trị và chăm sóc kịp thời.
Phòng ngừa: Để giảm khả năng mắc bệnh sốt siêu vi, cần tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống sinh hoạt hợp lý, vận động hoặc tập thể thao vừa sức.
Tiêm chủng vaccine phòng cúm định kỳ (6 tháng/lần) cũng là phương pháp giúp cho những người có nguy cơ mắc bệnh sốt siêu vi cao như Trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền… có thêm đề kháng để tăng thêm khả năng chống lại bệnh.
Tự bảo vệ bằng cách đeo khẩu trang y tế khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng nước rửa tay hoặc cồn sát khuẩn sau khi đến nơi công cộng.
4. Sốc nhiệt độ
Nguyên nhân: Con người là động vật đẵng nhiệt, nhiệt độ cơ thể luôn được tự điều chỉnh ở mức 37 độ C. Khi hoạt đông liên tục trong thời tiết nóng bức hoặc từ bên trong phòng máy lạnh bước ra thời tiết oi bức bên ngoài đều rất dễ làm cơ thể bị sốc nhiệt.
Các đối tượng có nguy cơ bị sốc nhiệt cao vào mùa hè là những người có sức khoẻ yếu như: Người già, trẻ em, phụ nữ; Người bị tim mạch… hoạt động nhiều và liên tục trong thời tiết oi bức.
Triệu chứng: Nhiệt độ cơ thể người bị sốc nhiệt tăng cao, cảm thấy mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, chóng mặt, choáng váng hoặc ngất. Nặng hơn có thể dẫn đến co giật hoặc hôn mê và tử vong.
Điều trị: Đưa người bị sốc nhiệt vào nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời để người bệnh được nghỉ ngơi. Giảm nhiệt độ cơ thể bằng cách cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết, có thể dùng khăn ẩm để lau người cho bệnh nhân.
Bù nước cho bệnh nhân bằng cách cho uống nước mát hoặc các loại thức uống có chứa chất điện giải, lưu ý cần uống từng chút một để cơ thể quen dần.
Nếu bệnh nhân bị choáng hoặc co giật, ngoài những phương pháp trên cần phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại các cơ sở y tế gần nhất.
Phòng tránh: Để phòng tránh sốc nhiệt, khi phải hoạt động nhiều ngoài trời nắng nóng cần che chắn bằng mũ rộng vành, chú ý thường xuyên bổ sung nước, các chất điện giải thiếu hụt cho cơ thể và luân phiên nghỉ ngơi nơi mát mẻ khi buộc phải làm việc ngoài nắng nóng.
Ảnh minh hoạ: Internet